Mang thai là một hiện tượng sinh lý bình thường, nhưng nếu các bà mẹ không được chăm sóc, quản lý, phát hiện và điều trị các bất thường trong thai nghén kịp thời dễ xảy ra tai biến cho mẹ, con và có thể dẫn đến tử vong. Do đó người phụ nữ mang thai cần phải biết cơ bản về những kiến thức chăm sóc thai nghén một cách phù hợp. Những kiến thức về chăm sóc thai nghén không chỉ dành riêng cho người mẹ mà nó còn rất quan trọng đối với người cha và những thành viên khác trong gia đình.
Khám thai vô cùng quan trọng trong việc chẩn đoán sớm bệnh lý của thai nhi, nguy cơ tai biến, từ đó có giải pháp kịp thời bảo đảm cho việc an toàn thai nghén và sinh nở. Khi biết mình có thai, bạn nên đi khám thai sớm và khám thai theo định kỳ để cán bộ y tế khám, theo dõi sức khoẻ toàn diện cho mẹ và thai nhi từ đó bạn sẽ nhận được những lời khuyên cần thiết, đồng thời đây cũng là dịp để bạn thảo luận bất kỳ điều gì bạn lo lắng hoặc quan tâm trong quá trình mang thai.
Khám thai sớm
Mục đích: Để cán bộ y tế khám, theo dõi sức khoẻ toàn diện cho mẹ bé, xác định việc thai nghén có cần theo dõi đặc biệt hay không
Nên khám thai lần đầu sau chậm kinh 3-4 tuần.
Khám thai định kỳ
Ảnh minh họa.
Mục đích: Theo dõi sức khoẻ mẹ bé, sự phát triển, hoạt động của thai nhi, xác định vị trí thai nhi và thời gian dự tính sinh nở.
3 tháng đầu khám và siêu âm lần thứ nhất sau chậm kinh 3-4 tuần.
3 tháng giữa khám và siêu âm lần tiếp theo.
Tháng thứ 7 và 8-> Hai tuần khám một lần và siêu âm 1 lần.
Tháng thứ 9: Tuần khám 1 lần cho đến khi đẻ.
Khám thai sớm và khám thai định kỳ có: Đo huyết áp, nghe tim phổi, siêu âm hoặc đo vòng bụng và chiều cao tử cung, nghe tim thai, xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu.
Ít nhất trong thời gian thai kỳ bạn cần được khám thai 3 lần (vào tháng 3, 5,7) là tốt nhất.
Để tránh nguy cơ thiếu máu ở bà mẹ, cần uống viên sắt bổ sung hàng ngày từ khi có thai đến 1 tháng sau sinh. Để tránh uốn ván sơ sinh cho bé, mẹ bé cần được tiêm vac xin phòng uốn ván hai lần:
Thai lần 1 tiêm đủ 2 mũi phòng uốn ván
Mũi thứ nhất cách mũi thứ hai 1 tháng.
Mũi thứ hai tiêm trước khi sinh ít nhất 1 tháng.
Thai lần 2:
Dưới 5 năm chỉ cần tiêm 1 mũi ở giai đoạn 2 của thai kỳ.
Trên 5 năm tiêm như có thai lần 1
Từ khi thụ thai đến khi sinh nở, mẹ bé cần tăng từ 9 đến 14kg, có vậy mới đảm bảo sức khoẻ, giảm nguy cơ tai biến, đảm bảo sự phát triển bình thường về thể lực, trí tuệ của bé. Khi có thai mẹ bé cần ăn nhiều hơn trước, ăn cả cho bé nữa mà! Đừng nên ăn kiêng khem. Nếu mẹ bé ăn uống không tốt, việc mang thai, sinh đẻ có thể nguy hiểm đến tính mạng hai mẹ con, bé sinh ra bị suy dinh dưỡng ảnh hưởng đến sự phát triển sau này.
Mẹ bé nên ăn nhiều bữa để bé không bao giờ bị đói. Để mẹ bé dễ ăn, cần chú ý nấu những món ăn dễ tiêu, hợp khẩu vị, đủ dinh dưỡng, không có chất kích thích.
Ảnh minh họa.
Dinh dưỡng tốt không nhất thiết phải tốn nhiều tiền, quan trọng là đủ các chất cần thiết đó là:
Chất đạm: Cần cho sự sinh trưởng. Chất đạm có ở trong thịt, cá, cua, tôm, trứng, sữa, các sản phẩm từ đậu nành, các loại đỗ, lạc...
Chất bột: Là chất cung cấp năng lượng cho cơ thể như: Gạo, ngô, khoai, bánh mì...
Chất béo như: Mỡ động vật, dầu thực vật, đậu nành, lạc vừng, sữa, bơ...
Vitamin và chất khoáng là những chất tăng sức đề kháng cho cơ thể như: Các vitamin có trong các loại rau xanh, hoa quả tươi, canxi có trong cá nhỏ kho nhừ cả xương, xương, sữa, sắt có trong gan, thịt bò, bí đỏ, rau có màu xanh thẫm, kẽm có trong các thực phẩm là hải sản như: Hầu, tôm, cua biển, thịt lợn, thịt bò, thịt dê...
Nước cũng rất quan trọng. Mẹ bé mỗi ngày cần uống khoảng 2 lít (Tính cả nước canh, nước hoa quả).
Tổng hợp
Ảnh: ST