1. Kinh đô nước hoa xứ Ấn
Thị trấn nhỏ Kannauj, thuộc bang Uttar Pradesh, được mệnh danh là “kinh đô nước hoa xứ Ấn” - điểm đến không thể bỏ qua của những tín đồ hương thơm.
Kannauj nằm trên con đường buôn bán hương liệu từ vài thế kỷ qua giữa Ấn Độ và Trung Đông, chính vì vậy, nền văn hóa nước hoa nói riêng và hương liệu nói chung đã trở thành một phần của cuộc sống người dân nơi đây.
Theo người dân Kannauj, chỉ có nước hoa tinh chế theo phương pháp thiên nhiên mới giữ được mùi hương lâu và hoàn toàn không có hại cho sức khỏe. Họ chưng cất nước hoa từ các lò gạch và họ không sử dụng điện.
Nghệ thuật sản xuất nước hoa thủ công như vậy đã ra đời từ năm 606 - 647, dưới triều đại của vua Harshvardhan.
Nước hoa chiết xuất từ hoa hồng là loại thông dụng nhất và cũng đắt nhất, có giá khoảng 400.000 đồng cho 10ml. Hương thơm ngọt ngào, dù rất ít nhưng giữ được mùi rất lâu.
Gỗ đàn hương cũng từng là một trong những hương thơm được yêu thích, tuy nhiên, do giá cả quá cao (vài trăm triệu đồng cho 1 lít nước hoa), lại không thể cạnh tranh được với công nghệ nước hoa nổi tiếng thế giới, việc sản xuất gỗ đàn hương tại Kannauj đã biến mất.
Ngày nay, đến với Kannauj, du khách có thể tham gia một lộ trình bắt đầu từ việc tham quan các nhà máy sản xuất nước hoa cổ truyền, dạo bước trên những con phố ngập tràn cửa hàng nước hoa, tinh dầu và ghé qua chợ Vijay để sắm cho mình những loại nước hoa thơm và độc đáo nhất thế giới.
2. Kinh đô nước hoa Grasse, Pháp
Ngay từ thời Phục hưng, vùng Grasse với những đồn điền hoa hồng và những loài hoa thơm khác đã nổi tiếng là nơi cung cấp hoa đem chưng cất. Để tạo ra được 1 lít tinh dầu, những người làm cần đến 6 tấn cánh hoa hồng.
Tại kinh đô nước hoa Grasse, tinh chất hoa cam mùi ấm phải dùng dung môi chiết xuất, nhưng kết quả thu được rất ít, cứ 3.000kg hoa mới được 1 lít tinh chất. Cũng có thể thu được tinh dầu từ cành lá và từ vỏ trái cam.
Cây hoa oải hương thân dài với mùi thơm nhẹ và mát, được các hộ gia đình ở Grasse trồng dày khít nhau. Dầu ép từ hoa oải hương với nhiều công dụng khác nhau như bôi làm mượt và bóng tóc, làm dịu cơn đau đầu, chữa bong gân, tan vết thâm...
Ngày nay, nước hoa vẫn là ngành công nghiệp chính của Grasse. Hoạt động sản xuất của ngành công nghiệp nước hoa ở Grasse chủ yếu tập trung từ sản xuất nguyên liệu tự nhiên như tinh dầu, tinh dầu chiết, chưng cất phân tử đến sản xuất chất cô đặc...
Từ các tinh dầu, người ta tạo vô số các loại nước hoa mang tên khác nhau: Chanel, Dior, Paco Pabanne, Nina Ricci, Immortel... Nước hoa nhài vùng Grasse nổi tiếng gắn với sản phẩm của Chanel no.5, Joy, Arpège...
3. Kinh đô nước hoa ở Galimard, Italia
Nằm ở miền Trung Italia, Galimard được mệnh danh là nơi chuyên trồng hoa hồng để chế tạo các loại nước hoa hảo hạng. Người ta gọi những nông dân ở Galimard là “nông dân quý tộc” bởi họ luôn được tận hưởng, đắm chìm trong mùi hương quyến rũ của đủ loại nước hoa, từ bình dân tới cao cấp.
Tuy vậy, nghề làm nước hoa không nhẹ nhàng như nhiều người vẫn tưởng. Phải sống chết với nghề mới hiểu công việc này vất vả như thế nào. Mỗi giọt nước hoa nhỏ li ti là thành quả của một quá trình dài với nhiều công đoạn, sử dụng nhiều công nghệ bậc cao, lấy đi của người lao động rất nhiều công sức và thời gian.
Đầu tiên là khâu chọn hoa hồng. Buổi sớm, trên cánh đồng hoa hồng vùng Galimard, nông dân thu hái hoa bằng tay. Từ 6 - 7 thế kỷ nay, chứng kiến nhiều sự phát triển tột bậc của khoa học, công đoạn thu lượm hoa hồng vẫn không được phép thay đổi. Nếu dùng máy, những cánh hoa sẽ bị dập nát, hàm lượng tinh chất sẽ giảm sút rất nhiều.
Hoa hồng được chuyển về nhà máy trong những chiếc xe lạnh. Ở đây, hoa tiếp tục được phân loại và ngâm tẩm trong nhiệt độ thích hợp để lấy tinh chất. Mỗi hãng nước hoa có một bí quyết tách tinh chất riêng mà người ta gọi là những “bí mật công nghiệp”.
Ở Galimard, người ta có kiểu sản xuất nước hoa rất đặc biệt, nó giống như nghề nấu đường ở các nước châu Á. “Công nghệ” thủ công này lại cho ra những sản phẩm nước hoa cao cấp mà không phải ngôi sao Hollywood nào cũng đủ tiền mua.