Công việc của tôi ngày đầu tiên sau khi về đến quê nhà là đi viếng mộ ba tôi, trận mưa trái mùa lúc gần sáng làm con đường đất miền quê trở nên nhầy nhụa và hơi trơn trợt khiến tôi phải xắn quần, một tay xách bịch trái cây và bó nhang, một tay xách dép, hai mắt lia qua lia lại trên mặt đường dò tìm nơi khô ráo để đặt bàn chân bước tới, có khi phải nhảy một bước dài. Thật ra những hành động này như chỉ là một phản xạ chứ đôi chân lúc này đã lấm lem, bê bết những bùn đất…Bỗng dưng từ đâu ùa về trong tôi dồn dập bao kỷ niệm buồn vui thời non trẻ… và tôi đã mĩm cười một mình trong tiếc nuối tuổi thơ.
Một đàn bò mấy chục con đi lố nhố ngược chiều làm tôi thức tĩnh và lúng túng, tôi vốn là con nhà nông, sinh ra trên cục đất cày ở xứ này nên tôi không sợ mà chỉ sợ cái đuôi vô tình của chúng đánh dấu vào áo quần, thậm chí vào mặt để đón chào ông khách lạ và không loại trừ khả năng sẽ giẫm chân lên chân mình để xem móng ai cứng hơn…
Tôi nhanh tay bẻ vội nhành lá bên đường đứng quơ qua quơ lại, chúng vẫn lù lù thản nhiên bước, tôi bèn vung tay quay tròn như chong chóng, chùm lá phát ra tiếng phè phè thật hiệu nghiệm, những con lớn hơi chững lại rồi rẽ thành hai hàng, bên trái và bên phải tôi, từng con, từng con một nối đuôi nhau lẵng lặng, khép nép né lưng bước qua. Tôi như một vị tướng đứng giữa hai “đàn” quân, oai phong lẫm liệt tiếp tục khua tay múa chân… khiến những chú bê đi sau cùng hoảng hồn khiếp vía chạy tán loạn xuống đám ruộng lúa xanh làm khổ thân người chăn bò tay khua roi, miệng la hét lẫn cả chửi thề, chân chạy theo lùa những chú bê lên khỏi ruộng. Tôi vẫn đứng đó nhìn theo, thấy thương cho cái nỗi sợ hãi đến cuống cuồng của người chăn khi bò mình quậy phá lúa người khác, lại tội nghiệp cho những chú bê chậm chạy bị roi quất tới tấp rống lên những âm thanh “bẹ… bẹ…” như khóc rằng đau quá mẹ ơi…!!! Tự dưng tôi thấy mình ân hận.
Đợi chủ bò rửa chân dưới mương nước xong bước lên đường, Tôi bước lại để nói lời xin lỗi, chủ bò cũng quay lại nhìn tôi như để nhìn rõ mặt thằng lạ nào vừa quậy đàn bò của hắn. Còn cách mấy bước chân, tôi cười và lên tiếng :
- Xin lỗi chú nghe! Tui không ngờ sự việc lại xảy ra như vậy…
Hắn(*) không trả lời mà nhíu mày nhìn thẳng vào mặt tôi, ngón tay đưa lên lưng chừng chỉ vào tôi, hỏi:
- Anh đây là… A… Anh! Anh về khi mô rứa?
- Tui về chiều hôm qua. Vậy chú đây là…
- Anh không nhớ ra ai à? Thằng Còm đây mà…hi hi hi…
- À, nhớ. Nhớ ra rồi! Tại chú mập mạp, rắn chắc… khác xưa nhiều quá! Bây giờ nhà chú ở đâu?
Hắn chỉ tay ngược về hướng đàn bò vừa đi qua:
- Dạ, nhà em ở gần đây nì… trước em ở trong sâu kia, mới về đây hơn một năm… em vừa lùa bò ra khỏi chuồng…
Mãi nói chuyện, đàn bò bỏ đi một quãng khá xa, hắn vội vã:
- Chừ anh vô mộ ông phải không? Anh vô đó đi, em quay lại liền nghe…
Không đợi tôi trả lời, hắn lật đật kéo ngọn roi lẹt xẹt trên đường chạy theo cho kịp đàn bò.
Tôi quay lưng bước đi, quá khứ thằng Còm ngày xưa hiện về trong tôi, ngày đó tôi phụ trách Chi đội Hồng Gấm, hắn đang tuổi thiếu niên, là đứa thấp lè tè, ốm yếu khẳng khiu… thật hợp với cái tên của hắn, nhưng tính tình thì luôn vui vẻ, liến thoắng và hay nói những câu ngớ ngẩn làm mọi người càng nghĩ càng cười đến tức bụng…
Nhà hắn nghèo lắm, đành rằng hồi đó quê tôi vì mới hồi hương sau chiến tranh nên đa số nhà ai cũng nghèo, thiếu ăn,lao động cực nhọc… nhưng nhà hắn thuộc dạng tội nghiệp nhất. Cha hắn vì lao lực mà sinh bệnh rồi mất khi hắn còn bé tí, để lại cho mẹ con hắn hai con bò, buổi sáng hắn đi học thì mẹ hắn chăn, chiều hắn thay phiên chăn bò để mẹ đi làm hợp tác kiếm công điểm, cũng vì vậy nên mỗi lần nhận lúa Hợp tác xã chia theo công điểm, nhà người ta gánh này gánh nọ còn nhà hắn chỉ vỏn vẹn mấy chục cân, thỉnh thoảng Hợp tác xã cũng có xét trợ cấp cứu đói nhưng chẳng thấm vào đâu, vào thời điểm giáp hạt, mẹ con hắn chiến đấu trường kỳ với củ khoai, củ sắn, cái đói cái rét làm cho mẹ con hắn tiều tụy hẳn đi trông thật xót xa…
Thắp nhang cả một vùng mộ xong, tôi đang loay hoay nhổ cỏ mọc lên từ những đường khe nứt ở quanh mộ thì hắn lại xuất hiện, hắn nhào vô phụ tôi nhổ cỏ, miệng cũng liến thoắng như thuở nào:
- Nhanh ghê anh hè… mới đây mà đã ba mấy năm… Ngày ông mất em còn nhỏ nhưng đến lúc ni em cũng còn nhớ mặt ông…
Hắn nói năng huyên thuyên mà chẳng cần chờ tôi trả lời trả vốn, đến nỗi tôi chưa kịp hỏi han gì về hắn mà đã nghe hết gia cảnh của hắn hiện nay, sự vui mừng, phấn khởi hiện rõ trên khuôn mặt hắn làm tôi hơi ngạc nhiên, tôi với hắn chỉ là người hàng xóm lâu ngày gặp lại, có gì đâu để hắn phải săn đón niềm nở như vậy chứ? Có chăng cũng chỉ là chuyện ngày xưa tôi thường cho hắn nghỉ để phụ mẹ hoặc làm việc nhẹ trong những ngày lao động đội vì thấy hắn gầy guộc, ốm yếu đến tội nghiệp. Thế thôi!
Thấy tôi lom khom nhặt cỏ rác vứt ra ngoài, hắn liền nhảy ra bẻ mấy cành lá làm chổi quét.
- Xong rồi anh hè! Chừ em mời anh qua nhà em chơi, Mạ em nghe nói anh về bà mừng lắm, đang ngồi chờ bên đó, cả vợ em cũng rứa!
- Vậy chứ… chú mày không cho bò đi ăn à?
- Anh yên tâm, em gọi con gái em ra thay cho em về chơi với anh đây! Hì hì…
- Ừ, vậy cũng được, đi!
Cái thằng này vẫn chứng nào tật nấy, việc nhà không biết thế nào chứ việc nhà bạn bè là hắn sốt sắng, tích cực tham gia hết mình, tôi nhớ có lần tôi đang làm cái giàn mướp thì hắn xuất hiện và xắn tay áo nhảy vô phụ, hắn ôm, vác, lôi kéo… vật liệu cho tôi làm, cái thân khẳng khiu như củ khoai mì cứ thoăn thoắt, thoăn thoắt làm tôi thấy thương thương nhưng cũng không nhịn được cười, rồi hắn xông vào buộc dây lạt, không hiểu loay hoay thế nào bị sợi lạt tre cứa một đường rõ sâu ở ngón tay, máu chảy ròng ròng, vậy mà băng bó xong cũng không chịu nghỉ, nhìn cử chỉ chậm rãi và cái mặt tái mét của hắn tôi biết hắn đau lắm nhưng vì sợ tôi lo nên cứ làm ra vẻ như không hề gì.
Nhà của hắn cách nghĩa địa không xa, chỉ mới xây tô chứ chưa sơn quét gì nằm giữa một khu vườn khá rộng với đủ loại cây trồng chưa được lớn, cũng có vườn hoa và cây cảnh…
Nghe chó sủa, một người đàn bà trong nhà bước ra, tôi nhận ra ngay là O Th…, mẹ của hắn. Vẫn dáng dấp như xưa chỉ có điều già đi nhiều lắm, cũng như thằng Còm, O chào hỏi tôi với một vẻ vui mừng đầy thiện chí. Ôi thôi, kính thưa các loại câu hỏi được đặt ra. Đang nói chuyện thì thằng Còm dắt một người phụ nữ từ nhà dưới bước lên:
- Anh có nhớ ai đây không? Cho anh năm phút!
Hình như có sự sắp đặt trước, người phụ nữ chỉ nhoẻn miệng cười và cúi đầu chào tôi chứ không lên tiếng. Chịu thôi, người này không có một nét nào lưu lại trong đầu tôi cả. tôi cười và lắc đầu:
- Chắc là vợ của chú, con dâu của O, còn người thì… xin lỗi… tui hoàn toàn không nhớ nổi là ai.
Cả nhà cười vang làm tôi hơi bị sượng, chẳng lẽ người quen thân mà mình không nhớ? Thằng Còm phá vòng vây cho tôi:
- Chắc anh không nhận ra cũng phải thôi, vì lúc em thiếu niên thì vợ em còn là nhi đồng… hi hi… Ph… đó anh! Tụi em đều là “lính” của anh cả mà… hi hi…
Tôi cũng cười gỡ gạt làm như có vẻ nhớ ra rồi nhưng thực tình vẫn chưa moi từ trong đầu ra cái tên Ph… này ở đâu cả. Tôi nghĩ rằng tiếp tục nói chuyện một hồi nữa thế nào tôi cũng nhớ ra. Vợ chồng thằng Còm lại đi xuống nhà dưới, một lúc sau quay trở lên với một mâm thức ăn trên tay, thằng Còm một tay cầm cái chiếu một tay kẹp thùng bia Huda ngang hông. Thì ra hắn về nhà đã bảo vợ hắn mổ gà, mua bia từ trước.
Tôi vốn không thích bia rượu vào buổi sáng nhưng chẳng biết thoái thác thế nào trước sự nhiệt tình và hiếu khách của gia đình nên đành ngồi vào chiếu, O Th. và Ph.chỉ ngồi ăn lấy lệ để nói chuyện với khách và cùng ôn lại cái thuở thời cơ hàn đói rét. O kể nhiều lắm về căn phận hẩm hiu, về người chồng xấu số, về thằng con tội nghiệp, về đứa con dâu giỏi giang và hiếu thuận, về những đứa cháu nội chăm việc học, siêng việc nhà… khuôn mặt của O liên tục chuyển từ trạng thái này đến trạng thái khác theo tình tiết từng câu chuyện, lúc thì cười vui rạng rỡ, có lúc lại trầm xuống như tắc nghẹn… Bỗng O quay sang vỗ vào vai tôi rồi cứ để tay trên đó mà nói:
- Mạ con tui mang ơn cậu và mệ (mẹ tôi) nhiều lắm, mệ đã cưu mang, chia ngọt sẻ bùi cho mạ con tui khi tui sinh nở cũng như lúc ốm đau hoạn nạn, túng thiếu bần cùng…
- Hì hì… có gì đâu mà O nói ơn nghĩa nghe quan trọng vậy?
- Răng không! Miếng khi đói bằng gói khi no, cậu giúp thằng Còm cái chi tui cũng biết hết, từng đồng bạc cậu cho hắn đều đưa về cho tui mua mắm mua muối chớ hắn có xài mô, mà tui nhớ cậu cho tiền hắn nhiều lần, nhiều lần lắm. Cậu còn dạy cho hắn học, cho hắn sách vở giấy bút, cho hắn nghỉ công tác để mần việc nhà phụ tui… Dạo cậu bị tội tham ô tham iếc chi đó rồi mất chức trong hợp tác, tui nghĩ mạ con tui cũng có tội trong đó… ngặt nỗi nghèo quá nên chẳng mần chi được…
- Không phải vậy đâu, O đừng bận tâm. Tui vì nhiều lý do khác mà…
Không để cho O Th. tiếp tục kể lể, tôi hướng câu chuyện sang đề tài khác. Tôi quay sang thằng Còm:
- Vợ chồng em được mấy “lính”?
- Dạ hai lính! Thằng đầu đang học năm thứ ba, còn con bé vừa đi thi đại học ở Đà nẵng, nghe con báo đã đậu rồi… mừng thì mừng nhưng sao vẫn cứ lo anh à… thằng đầu đi học, mỗi năm em “mất” cho nó hai con bò… giờ tới phiên con bé này nữa… không biết bò có đẻ kịp không… hì hì…
- Vậy là quá giỏi rồi, chúc mừng cháu, chúc mừng vợ chồng em và cả O nữa nghe! Nhà mình được bao nhiêu con bò? Anh thấy đông lắm mà…
- Dạ, vừa bán một con cho cháu đi thi, hiện tại còn hai sáu con lớn nhỏ… gia đình em tất tần tật nhờ vào đàn bò đó anh… Ba em mất đi để lại hai con bò… em đã gầy dựng lên trên bốn chục con… mấy năm sau này mạ em ốm đau luôn, rồi con cái càng lớn học hành càng tốn kém, rồi xây nhà… em cứ “đẩy” dần để có cái mà xoay… Ơn trời… vợ em nuôi heo nuôi gà… đều thắng lợi cả.
Trời ạ! mình hỏi một câu thì nghe trả lời tới mười câu, kể ra thì cũng thú vị thật đấy, nếu đến lượt vợ thằng Còm cũng thao thao bất tuyệt kiểu này nữa thì chắc tôi sẽ bị cụp xương sống và đôi chân sẽ rụng mất thôi! Mỏi nhừ…tê cứng… mặc dù đã xoay trở, đổi thế liên tục, cái bụng thì càng lúc càng tròn ra, căng cứng…
- Thôi, cậu ngồi chơi với em, tui bị thoái hóa cột sống, ngồi lâu không chịu nổi… tui đi nghỉ chút đã nghe cậu! Chiều tối mạ con tui vô thăm mệ với lại cho biết mặt vợ con của cậu nữa chứ!
- Dạ, O nghỉ cho khỏe! Hơi đâu ngồi nghe anh em tui tán dóc… hì hì…
Rồi đến lúc vợ hắn cũng xin phép chạy đi công chuyện gì đó… Chỉ còn tôi với hắn ngồi cù cưa…muốn về cũng chẳng được. Tội nghiệp, hắn có tật hay nói và nói nhiều nhưng tâm hắn thì thật thà, chất phác, bản chất của hắn từ nhỏ đã vậy rồi. Cái thật tình của hắn có lần đã làm cho cả nhà tôi cười ra nước mắt khi hắn đến nhà chơi gặp bữa, hắn bưng chén cơm ăn một cách ngon lành chẳng chút rụt rè, e ngại, bởi như lời hắn nói “Mấy ngày ni nhà cháu không ăn cơm!”. Mẹ tôi hỏi đùa “Không ăn cơm thì ăn cái chi?”. Hắn trả lời tỉnh bơ “Ăn sắn!”… Tối hôm đó tôi thấy mẹ tôi có đưa cho hắn một túm gạo bảo hắn mang về, còn bảo tôi cầm đèn pin đưa cháu về kẻo đường tối rắn rít, đến ngõ nhà hắn không hiểu sao, tự dưng tôi móc cho hắn thêm năm đồng.
- Còn mấy lon anh em mình làm hết chỗ này rồi đi tiếp nghe anh!
- Đi đâu nữa?
- Đi hát… được mấy khi như thế này, chơi với em cho trọn ngày đi!
- Thôi, hết chỗ này nghỉ, anh về chưa đi thăm ai cả… không khéo mấy ông cả bà lớn chửi cho mà nghe…
Thằng Còm lại vừa nói vừa khui bia nghe… bốc xì… bốc xì… Hắn như cố tranh thủ nói cho bằng hết những gì chưa nói được…
- Em còn trồng được hơn hai hecta rừng năm thứ tư rồi anh! Hy vọng… nếu trời thương thì chắc đời em cũng không đến nỗi. Nhớ lại ngày xưa mà nổi da gà anh hí! Nói chi thì nói chớ em không quên anh được mô… Nhớ mãi anh nờ… Đời em…
Câu nói của hắn như bị chặn lại giữa chừng, tôi thấy mí mắt hắn đỏ lên, nước mắt hắn ứa ra, lăn dài rồi đọng lại chỗ cằm hắn, tự dưng tôi thấy cổ của mình cũng nghèn nghẹn… Chính tôi, là một kế toán trưởng ngồi bàn giấy mà cũng còn sợ cái ngày xưa ấy chứ đừng nói gì hắn, hắn khóc là đúng, hắn sợ là phải bởi cái đói đôi khi đã làm cho hắn không nhấc nổi đôi chân để theo kịp hai con bò.
Điện thoại đổ chuông, báo tôi về ngay có bà con đến thăm…Đành phải thế, chú mày phải thông cảm cho anh thôi. Tôi duỗi thẳng đôi chân đang tê cứng, nói với hắn :
- Có việc gấp, anh phải về. Anh em mình tạm nghỉ nhé ! Anh còn ở lâu, mai mốt gặp lại…Anh gởi lời chào O, bà xã em và mấy cháu nhé !
Hắn như chưa bằng lòng với sự kết thúc này nên miễn cưỡng đứng dậy tiễn tôi với vẻ mặt buồn thiu :
- Dạ, anh về lo công việc, tối em vô nhà chơi…!
Từ nhà hắn ra về tôi thấy lòng mình vui lạ, con người thật thà, nhân từ là thế… Đúng là miếng khi đói bằng gói khi no… Thằng Còm bây giờ đã có tài sản trị giá đến tiền tỷ mà hắn không quên những đồng tiền lẻ đã cứu mẹ con hắn một thời, gia đình hắn giờ không thiếu thứ gì nhưng vẫn không lu mờ chuyện vài lon gạo lót lòng khi giáp hạt…Tôi thật sự phục hắn sát đất bởi từ một thân hình còm cõi tưởng chừng như không qua nỗi mùa Đông đã tự mình vươn dậy, đấu tranh chống chọi với cái số phận nghiệt ngã và hoàn cảnh trớ trêu…
(*) Quê tôi dùng từ hắn rộng rãi để thay cho từ nó (ngôi thứ ba)
Nhân Văn