Nga mong muốn
Nga đang nghiên cứu khả năng đồn trú hạm tàu của Hải quân Nga ở Cuba, quần đảo Seychelles và Việt Nam, Tư lệnh Hải quân Nga, Phó đô đốc Viktor Chirkov tuyên bố hôm 27.7.2012.
Nga đang đàm phán về việc đồn trú tàu hải quân ở Cuba, Seychelles và Việt Nam
“Quả thực, chúng tôi đang tiếp tục làm công việc bảo đảm việc đồn trú các lực lượng của Hải quân Nga ở ngoài lãnh thổ Liên bang Nga. Trong khuôn khổ công việc này, ở cấp độ quốc tế, các vấn đề xây dựng các PMTO trên lãnh thổ Cuba, quần đảo Seychelles và Việt Nam đang được nghiên cứu”, ông Chirkov nói.
Vấn đề đồn trú hạm tàu Hải quân Nga ở nước ngoài trở nên cực kỳ cấp thiết sau năm 2008, khi các chiến hạm Nga bắt đầu tham gia sứ mệnh chống hải tặc ở vịnh Aden. Nga cũng đã thảo luận khả năng đồn trú hạm tàu Hải quân Nga ở Djibouti.
Việt Nam sẵn sàng
Trong cuộc phỏng vấn độc quyền của Đài Tiếng nói nước Nga, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Việt Nam sẵn sàng tạo điều kiện để Nga xây dựng trạm bảo đảm vật chất-kỹ thuật (PMTO) tại cảng Cam Ranh, nhưng không có ý định cho nước ngoài mở căn cứ quân sự tại Việt Nam.
Cả Mỹ và Nga đều muốn trở lại Cam Ranh
Trước đây, Hải quân Liên Xô từng có các căn cứ ở Việt Nam (Cam Ranh) và Syria (Tartus). Nay chỉ còn căn cứ ở Tartus. Ngày 27/7/2012, Tư lệnh Hải quân Nga, Phó đô đốc Viktor Chirkov tuyên bố, Nga đang nghiên cứu vấn đề xây dựng các PMTO ở Cuba, quần đảo Seychelles và Việt Nam.
“Liên quan đến nước Nga, chúng tôi có mối quan hệ hợp tác lâu đời và quan hệ đối tác chiến lược với Nga. Mối quan hệ đối tác này sẽ tiếp tục phát triển. Bởi vậy, chúng tôi sẽ cung cấp cho Nga những ưu thế ở Cam Ranh, trong đó có mục đích phát triển hợp tác kỹ thuật quân sự”, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói.
Nhưng Chủ tịch nước cũng lưu ý rằng, Việt Nam không có ý định cho phép nước ngoài sử dụng cảng Cam Ranh vào mục đích quân sự.
“Sau khi đất nước các bạn (Nga) chấm dứt sự hiện diện quân sự của mình ở đó, Việt Nam đã nắm quyền quản lý hoàn toàn Cam Ranh. Một phần của nó đang được sử dụng vào mục đích kỹ thuật quân sự, phần khác phục vụ phát triển kinh tế đất nước. Chúng tôi không hề có ý định hợp tác với bất kỳ nước nào để sử dụng cảng Cam Ranh cho mục đích quân sự. Việt Nam là chủ nhân duy nhất đất đai của mình... Tôi xin nhấn mạnh một lần nữa: Cam Ranh là hải cảng của Việt Nam”, Chủ tịch nước cho biết.
Mỹ cũng dòm ngó
Điều đáng lưu ý là không chỉ Hải quân Nga thèm khát trở lại Cam Ranh. Trong khuôn khổ chuyển dịch chiến lược của Mỹ từ Đại Tây Dương sang Thái Bình Dương, Mỹ tìm cách mở các căn cứ quân sự mới và trở lại các căn cứ cũ của họ như Subic, Clark (Philippines), Cam Ranh (Việt Nam).
Theo chiến lược quân sự mới và do khó khăn về kinh tế, Mỹ chú trọng hơn đến quyền tiếp cận hơn là các căn cứ lớn và thường xuyên ở châu Á-Thái Bình Dương. Chuyến thăm Cam Ranh và Hà Nội hồi đầu tháng 6/2012 của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta khẳng định mong muốn của Mỹ trở lại Cam Ranh mà trước hết là quyền tiếp cận hải cảng chiến lược này cho Hải quân Mỹ.
http://vietnamdefence.com/Home/tintuc/vietnam/Nga-dam-phan-don-tru-tau-hai-quan-o-Viet-Nam/20127/51869.vnd