Xin ông cho biết có phải vở chèo “Quan Âm Thị Kính” là lấy tích truyện của Triều Tiên không? Và ở các chùa, bên cạnh tượng Phật Bà có chú bé đứng hầu, đó là Phật Quan Âm Thị Kính và chú bé ấy là con của Thị Mầu? Xin cảm ơn ông. (Nguyễn Hà Diệu Linh, Hải Phòng)
Học giả An Chi: Không riêng gì vở chèo “Quan Âm Thị Kính” mà cả truyện “Quan Âm Thị Kính” cũng có ý kiến cho là có nguồn gốc Triều Tiên. Bài “Nguồn gốc tích truyện Quan Âm Thị Kính và Quan Âm Nam Hải” của Thư viện Hoa Sen cho biết như sau:
“Sự tích Quan Âm Thị Kính được lưu truyền phổ biến trong dân gian Việt Nam từ xưa qua nghệ thuật hát chèo, truyện thơ và gần đây nhất là truyện văn xuôi. Theo tác giả Nguyễn Lang, sách “Việt Nam Phật giáo sử luận”, tập II, truyện thơ “Quan Âm Thị Kính” (bản Nôm) hiện chưa biết được sáng tác trong thời gian nào. Bản Việt ngữ do Nguyễn Văn Vĩnh ấn hành năm 1911, gồm 788 câu lục bát và một lá thư Kính Tâm viết cho cha mẹ bằng văn biền ngẫu”. Cứ vào nội dung của truyện “Quan Âm Thị Kính” thì có thể đây là một dị bản của Phật giáo Cao Ly (Triều Tiên): “Thị Kính là con gái của nhà họ Mãng, quận Lũng Tài, thành Đại Bang, nước Cao Ly”.
Thị mầu lên chùa (tranh sưu tầm)
Lời kể “Thị Kính là con gái của nhà họ Mãng, quận Lũng Tài, thành Đại Bang, nước Cao Ly” đã ăn sâu vào tâm thức dân gian như thế thì ta không thể gạt bỏ một cách chủ quan hay cảm tính được. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn phân vân vì bản thân đã thử đi tìm nguồn gốc của họ “Mãng” xem có phải nó đích thực là một cái họ Cao Ly (Triều Tiên) – dù là Cao Ly gốc Hán – thì không thấy có cơ sở gì đáng tin. Triều Tiên có khoảng 250 họ, đại đa số là họ một âm tiết như Kim, Lâm, Lý, Phác, v.v… Nhưng không thấy họ Mãng.
Tuy nhiên phải dè dặt nói rằng, không thể vì không thấy mà bảo rằng nó không tồn tại. Nếu có người tìm ra được mà thông tin cho thì chúng tôi xin đa tạ. Trước mắt, chúng tôi chỉ thấy có họ Mangjeol (망절), chữ Hán là 網切, đọc theo âm Hán Việt là Võng Thiết, là họ ít người có nhất trong số 12 họ song tiết của Triều Tiên. Đây lại là một cái họ rất mới và có nguồn gốc Nhật Bản thời hiện đại.
Trong những điều khiện ít ỏi như đã trình bày thì ta cũng thực sự khó lòng khẳng định hoặc phủ định một cách dứt khoát nguồn gốc Triều Tiên của truyện Nôm Quan Âm Thị Kính và vở chèo cùng tên.
Về ý thứ hai mà bạn hỏi, thì đứa bé đó vốn là Sudhanakumâra, Trung Quốc dịch là Thiện Tài đồng tử 善财童子, gọi tắt là Thiện Tài, nhân vật chính trong “Phẩm Nhập Pháp Giới” trong kinh “Hoa Nghiêm”. Thiện Tài đồng tử xuất hiện trong Phật giáo, Đạo giáo và những câu chuyện dân gian, như là một tiểu đồng hầu cận của Đức Quán Thế Âm, bên cạnh còn có thể có hình một cô bé khác là Long Nữ.
Thiện Tài đồng tử là một cậu bé mồ côi phát nguyện tu hành quy y Phật pháp nhưng chưa chứng quả. Nghe tin ở Phổ Đà Sơn có Bồ Tát nên quyết chí vượt qua mấy muôn dặm đến đây để hầu ngài và xin làm đệ tử. Trước khi ưng chuẩn lời nguyện ấy, Đức Bồ Tát muốn thử tâm chí coi ra sao, bèn truyền cho sơn thần, thổ địa hóa làm ăn cướp đến vây đánh Phổ Đà Sơn. Riêng về phần Ngài thì Ngài giả dạng sợ sệt, kêu la cầu cứu và giả té xuống hố sâu. Thấy vậy Thiện Tài đồng tử chạy theo cứu thầy và nhảy luôn xuống hố. Từ đó Thiện Tài được Quán Âm nhận làm đệ tử hầu cận Ngài.
Do Thiện Tài đồng tử thường được vẽ tranh hoặc đúc tượng thành một cậu bé theo hầu Quán Thế Âm cho nên một số người mới nhầm tưởng rằng đó là con trai của Thị Mầu. Theo truyện “Quán Âm Thị Kính” của Việt Nam, Thị Mầu bị chửa hoang và vu cho Thị Kính là cha của đứa bé. Thị Kính nhẫn nhục chịu hàm oan và vẫn nuôi dưỡng đứa bé đó. Sau khi thành Bồ tát, Thị Kính cũng độ luôn con của Thị Mầu đắc quả hầu cận bên ngài. Vì sự tích này, ngày nay người Việt Nam khi họa tượng Quán Âm thì thường vẽ kèm bên tay phải Quán Âm có một con chim mỏ ngậm xâu chuỗi bồ đề là Thiện Sĩ, dưới có đứa trẻ bận khôi giáp chắp tay hầu là con trai của Thị Mầu.
Quan Âm Thị Kính: Nguồn gốc vở chèo và hình tượng đứa bé theo hầu