Những động thái hung hăng của Trung Quốc trên biển Đông đang vấp phải làn sóng chỉ trích dữ dội của cộng đồng quốc tế.
Tàu Trung Quốc kết thành bè để chống tàu công vụ của các nước khi đến đánh bắt cá ở các vùng biển xung quanh - Ảnh: chinanews.com
Tân Hoa xã mới đây đưa tin số quân đồn trú ở cái gọi là “thành phố Tam Sa” trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam lên tới 10.000 người. Đơn vị đồn trú này có thể sẽ được trang bị khí tài ngang với tiêu chuẩn chính quy của quốc gia, nghĩa là sẽ có cả xe tăng thiết giáp, các loại cơ giới chiến đấu đổ bộ và trực thăng.
Chủ tịch Trung Quốc kêu gọi đoàn kết nội bộ
Trong bài phát biểu trước giới lãnh đạo đảng mới đây, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã kêu gọi nội bộ thống nhất, đoàn kết để đối mặt với “những thử thách chưa từng có cả tình hình trong và ngoài nước”.
Bài phát biểu ngày 24-7 của ông Hồ Cẩm Đào đã được tất cả các tờ báo lớn tại Trung Quốc đăng tải. ”Chúng ta phải kiên định đi theo con đường đúng đắn do đảng và nhân dân đã vạch ra và không được phép nao núng trước bất kỳ hiểm nguy nào, không được phân tâm trước bất kỳ sự can thiệp nào” - Tân Hoa xã trích lời ông Hồ Cẩm Đào.
Đề cập đến bài phát biểu này, Reuters dẫn lời chuyên gia Ngô Tư, tổng biên tập tạp chí Viêm Hoàng Xuân Thu tại Bắc Kinh, bình luận ông Hồ Cẩm Đào muốn nhấn mạnh vào sự đồng thuận. “Đại ý ông Hồ Cẩm Đào muốn nói rằng cần phải duy trì sự đồng thuận giữa những ồn ào vừa qua”.
Giới quan sát phương Tây nhận định sau khi cựu bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hi Lai, người từng là ứng cử viên cho một vị trí trong Bộ Chính trị sau đại hội đảng tháng 10, bị điều tra thì cú ngã ngựa của ông ta và bà vợ Cốc Khai Lai phần nào hé lộ những vấn đề trong nội bộ lãnh đạo Trung Quốc.
SƠN HÀ
Mỹ là quốc gia phương Tây đầu tiên chính thức phản ứng việc thành lập “thành phố Tam Sa” của Trung Quốc. “Chúng tôi vẫn lo ngại liệu có nên có bất kỳ hành động đơn phương kiểu như thế hay không. Hành động của Trung Quốc xem chừng là muốn đẩy tình hình vào chuyện đã rồi. Chúng tôi từng nhiều lần nói rằng chỉ có thể giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán, đối thoại và ngoại giao phối hợp giữa các bên” - Reuters dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland.
Đánh lạc hướng dư luận
Trước đó, các thượng nghị sĩ Mỹ John Kerry, Richard Lugar, John McCain, Jim Webb, James Inhofe và Joe Lieberman đã lên tiếng kêu gọi ASEAN và Trung Quốc trở lại bàn đàm phán và giải quyết tranh chấp biển Đông theo con đường hòa bình. Tạp chí Forbes cho biết các nghị sĩ Mỹ thậm chí còn đưa ra một nghị quyết kêu gọi Trung Quốc và ASEAN cùng hợp tác hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử của các bên trên biển Đông (COC) và kiềm chế ứng xử để tránh làm tình hình thêm phức tạp hay leo thang tranh chấp trên biển Đông.
CNN dẫn lời chuyên gia Mỹ Stephanie Kleine-Ahlbrandt cho rằng Trung Quốc đang sử dụng chiến lược “chuyển lửa ra ngoài” nhằm kéo sự chú ý của dư luận trong nước khỏi những sự kiện rối ren trong nội bộ với việc dựng lên những kẻ thù bên ngoài. Nhà phân tích này dẫn chứng hàng loạt sự kiện, như vụ Trung Quốc leo thang đối đầu với Philippines ở bãi cạn Scarborough, “rao bán nhà hàng xóm” khi mời thầu khai thác dầu khí trong thềm lục địa của Việt Nam, xua 30 tàu cá tới quần đảo Trường Sa của Việt Nam, thành lập “thành phố Tam Sa” và đưa quân đồn trú ở Hoàng Sa...
Vẫn theo nhà phân tích này, trong khi công chúng Trung Quốc đang hoang mang về vụ Bạc Hi Lai thì việc đối đầu với Philippines ở bãi cạn Scarborough là lựa chọn tốt nhất để Bắc Kinh hướng dư luận trong nước ra bên ngoài. Bắc Kinh một lần nữa lựa chọn con đường sử dụng cơ bắp đối với các nước láng giềng trên biển, chấp nhận “bán láng giềng gần” để mua sự yên ổn nội bộ.
Lại vừa ăn cắp vừa la làng
Trong những ngày qua, các quan chức cấp cao trong quân đội, tình báo và các cơ quan hải dương Trung Quốc vẫn liên tục lên tiếng hối thúc Bắc Kinh phải có “hành động mạnh mẽ hơn” để khẳng định chủ quyền ở biển Đông. Các quan chức này “đổ thừa” chiến lược “trọng tâm” châu Á của Mỹ là nguyên nhân gây căng thẳng trên biển Đông.
Tại Diễn đàn hòa bình thế giới tổ chức ở Bắc Kinh, Chu Thành Hổ, một quan chức quân đội được mô tả là “diều hâu” nhất, người từng ngang nhiên bác bỏ mọi quyền lợi của các nước ở biển Đông, đã lố bịch tuyên bố: “Việt Nam và Philippines tuyên bố chủ quyền ở biển Đông là vô lý và bất hợp pháp. Nam Hải (biển Đông) thuộc về Trung Quốc”.
Một số quan chức “diều hâu” khác như chủ tịch Viện Quan hệ quốc tế đương đại Trung Quốc Thôi Lập Như và tướng quân đội La Viện cũng “đồng thanh tương ứng” khi đòi sử dụng vũ lực ở biển Đông bất chấp mọi lẽ phải. “Trung Quốc đang đối mặt với những nước láng giềng hung hăng là Việt Nam và Philippines” - Từ Chí Dung, lãnh đạo cơ quan ngư chính Trung Quốc, thản nhiên tuyên bố.