Quỹ thời gian dành cho mỗi người là như nhau. Mỗi người đều có 24 giờ mỗi ngày và 365 ngày mỗi năm. Thế nhưng có những người lúc nào cũng bận rộn, mệt mỏi, căng thẳng, lúc nào cũng phàn nàn không đủ để làm tất cả mọi việc.
Trong khi đó cũng với số lượng công việc như vậy lại có những người tỏ ra rất thoải mái và ung dung mà vẫn có thể hoàn thành được công việc đúng thời hạn. Giữa những người này có điều gì khác biệt? Và câu trả lời chỉ có thể là do khả năng quản lý quỹ thời gian của mỗi người là khác nhau.
Làm sao để làm việc có hiệu quả nhất, ít căng thẳng nhất, cuộc sống dễ chịu và ít áp lực nhất? Chúng ta sẽ đạt được điều đó khi chúng ta có được kỹ năng quản lý thời gian của mình hiệu quả. Dưới đây là một số bí quyết giúp bạn có thể quản lý thời gian của mình một cách hiệu quả nhất:
Xác định mức độ ưu tiên và đặt ra mục tiêu cho công việc: Việc cân nhắc xem mức độ quan trọng của từng công việc để có thể ưu tiên thực hiện trước là một bước cực kỳ quan trọng. Nhờ bước này mà ta có thể dành đủ thời gian để hoàn thành những việc cốt lõi để có thể đạt được hiệu quả cao nhất. Đôi khi ta có thể bỏ qua những việc thứ yếu để có thể dành thời gian để hoành thành những việc thiết yếu.
Lập thời gian biểu cụ thể: Lên thời gian biểu cụ thể và sắp xếp thứ tự và thời gian dành cho từng việc rõ ràng cụ thể. Khi làm việc theo một lịch trình khoa học đã được sắp xếp từ trước, chúng ta có thể tiết kiệm thời gian đến mức tối đa mà hiệu quả của công việc vẫn được đảm bảo. Cũng nhờ một lịch trình công việc rõ ràng, công việc sẽ không bị chồng chéo, không quá tải vì thế sẽ đảm bảo được nhịp độ và hiệu quả công việc.
Đảm bảo việc thực thi kế hoạch: Một khi đã có một lịch trình công việc rõ ràng và khoa học thì việc thực hiện theo đúng thứ tự trong lịch trình là điều tất yếu để quyết định hiệu quả của công việc cũng như sẽ giúp ta thấy được hiệu quả của việc quản lý thời gian.
Biết nói “không”: Khi làm việc chúng ta thường bị phân tán bởi những việc “không đâu”. Những việc này không chỉ làm mất thời gian vô ích mà còn làm hạ thấp hiệu quả làm việc. Do vậy, bạn nên biết cách nói “không” với chúng. Với những việc như tán gẫu với bạn bè, nghe những cuộc điện thoại không quan trọng, trả lời email mà không có quản lý …, bạn hãy chỉ để ra một ít thời gian trong ngày để làm những việc này.
Dành thời gian để sắp xếp lại vật dụng và tài liệu hợp lý, thuận tiện: Đôi khi bạn mất rất nhiều thời gian chạy qua chạy lại để tìm kiếm những vật dụng phục vụ cho công việc của mình. Với những vật dụng hay dùng đến bạn nên có những vị trí cố định để khi cần dùng đến bạn có thể xác định vị trí của chúng một cách nhanh chóng. Đây là công việc tưởng chừng là rất đơn giản nhưng nó lại giúp bạn tiết kiệm thời gian một cách tối đa.
Đánh giá lại mức độ hoàn thành công việc vào cuối tuần: Bất kỳ một công việc nào cũng cần đến bước đánh giá để xem mức độ hoàn thành công việc so với yêu cầu, từ đó phát huy những mặt tích cực đã làm được, đồng thời cũng chỉ ra những mặt hạn chế để khắc phục. Tất cả nhưng việc này đều nhằm mục đích giúp thực hiện công việc một cách khoa học nhất và có hiệu quả cao nhất.
Thời gian trôi đi và không chờ đợi bất kỳ ai vì thế hãy biết tận dụng và quản lý thời gian của mình để có thể hoàn thành công việc của mình với hiệu quả tối đa, đạt được mục tiêu mà mình đặt ra và không phải hối tiếc vì đã không đủ thời gian để hoàn thành những việc mà lẽ ra mình có thể. Hãy sáng suốt để sử dụng quỹ thời gian của riêng mình một cách hiệu quả nhất.