Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa chỉ đạo xử lý các trang mạng đăng tải "thông tin bôi đen bộ máy lãnh đạo của đất nước" như trang Quan làm báo, đồng thời ngăn cấm cán bộ nhà nước xem và phổ biến tin từ các trang đó.
Website của Chính phủ Việt Nam chiều 12/9 đăng công văn thông báo ý kiến của ông Dũng về xử lý "việc đăng tải thông tin có nội dung chống Đảng và Nhà nước".
Công văn số 7169 /VPCP-NC do Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Quang Thắng ký lúc 5 giờ chiều nêu trực tiếp tên một số trang mạng nhiều người truy cập tuy đã bị chặn tường lửa ở trong nước là Dân làm báo, Quan làm báo và Biển Đông.
Văn bản này viết qua xem xét một số báo cáo của các bộ Công an, Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo Trung ương và Văn phòng Trung ương Đảng, Chính phủ kết luận rằng các trang nói trên cùng một số trang mạng khác "đã đăng tải thông tin vu khống, bịa đặt, xuyên tạc, không đúng sự thật nhằm bôi đen bộ máy lãnh đạo của đất nước, kích động chống Đảng và Nhà nước ta, gây hoài nghi và tạo nên những dư luận xấu trong xã hội".
Công văn khẳng định: "Đây là thủ đoạn thâm độc của các thế lực thù địch".
Theo đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng quyết định giao cho Bộ Công an chủ trì phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan chức năng "tập trung chỉ đạo điều tra, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật".
Ông Dũng cũng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông cùng với Ban Tuyên giáo Trung ương "chỉ đạo các cơ quan cung cấp thông tin khách quan, đúng sự thật về tình hình các mặt của đất nước, nhất là các vấn đề mà dư luận quan tâm".
Các cơ quan báo chí chủ chốt của Đảng và Nhà nước như báo Nhân Dân, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và Cổng Thông tin điện tử Chính phủ được yêu cầu chủ động phản bác "các thông tin không đúng sự thật, xuyên tạc, chống Đảng và Nhà nước".
Quan làm báo
Đặc biệt, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu "cán bộ, công chức, viên chức không xem, không sử dụng, loan truyền và phổ biến các thông tin đăng tải trên các mạng phản động".
Được biết, nội dung công văn trên đã được đăng tải và phổ biến tới tất cả các phương tiện thông tin đại chúng, đọc trên Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam.
"... cán bộ, công chức, viên chức không xem, không sử dụng, loan truyền và phổ biến các thông tin đăng tải trên các mạng phản động."
Công văn 7169/VPCP-NC
Đây là lần đầu tiên có một văn bản chính thức trực tiếp đề cập tới việc tồn tại của các trang 'ngoài luồng' như Quan làm báo và đòi xử lý các mạng 'phản động' nói trên.
Quan làm báo, một trang mạng không rõ xuất xứ, bắt đầu được thiết lập từ cuối tháng Năm và mau chóng trở thành trang được nhiều người theo dõi, với hàng nghìn người online vào bất cứ thời điểm nào.
Cho tới nay, trang này đã có gần 23 triệu lượt người đọc.
Nội dung của Quan làm báo thiên về các thông tin nội bộ Đảng và Nhà nước, không qua kiểm chứng và cũng được thể hiện bằng ngôn ngữ bình dân, nhiều khi lỏng lẻo về cú pháp và văn phạm.
Hấp lực của trang này làm nảy sinh nhiều đồn đoán về chủ nhân của Quan làm báo.
Các thông tin mà Quan làm báo đưa ra được đánh giá là "kinh thiên động địa" vì liên quan tới các chuyện thâm cung bí sử bên trong bộ máy cầm quyền, thậm chí cả điều được gọi là 'cuộc chiến quyền lực' giữa các vị lãnh đạo cao cấp nhất.
Đây là một trong các trang đầu tiên đưa tin về vụ bắt giữ ông Nguyễn Đức Kiên, hay Bầu Kiên, trước khi các kênh chính thống được phép đưa tin.
Sau đó cũng trang này đăng thông tin bắt ông Lý Xuân Hải, CEO Ngân hàng Á châu.
Quan làm báo còn tung tin về nhiều vụ bắt giữ khác, cùng nhiều chuyện 'tày đình' không thể kiểm chứng.
Dân làm báo cũng là một trang mạng đăng tải nhiều thông tin không chính thức, mang tính chỉ trích Đảng và chính quyền gay gắt.
Trong tối ngày 12/9 giờ Việt Nam, trang Quan làm báo đã có bài Bấm phản công lại công văn của Thủ tướng chính phủ Việt Nam.