Tranh chấp xung quanh nhóm đảo nhỏ mà phía Nhật gọi là Senkaku còn phía Trung Quốc gọi là Điếu Ngư trên biển Hoa Đông đã làm nóng bầu không khí ngoại giao láng giềng sau khi chính phủ Nhật tuyên bố mua lại các đảo với giá khoảng 30 triệu USD.
Trung Quốc đã đáp trả bằng cách điều hai tàu tới khu vực trên và, theo truyền thông nhà nước nước này, Bắc Kinh còn vạch ra cả một "kế hoạch hành động" để bảo vệ các đảo.
Người Mỹ có thể nhìn nhận đây là vấn đề giửa hai kẻ thù lâu năm của nhau ở châu Á và Mỹ chẳng cần can dự vào - và xét theo cuộc tiếp đón Hillary Clinton tại Bắc Kinh tuần trước nữa, chính phủ Trung Quốc có lẽ cũng đã nhìn nhận như vậy - nhưng thực tế Mỹ vẫn đóng một vai trò nhất quán trong tranh chấp này ngay từ đầu và rất có khả năng sẽ còn tiếp tục dính líu.
GlobalSecurity.org ghi chép lại khá rõ lịch sử cuộc tranh chấp này. Giống như phần lớn các tranh chấp đảo tại châu Á, tranh cãi nổi lên với việc "đòi phân chia lại lãnh thổ" do Nhật Bản chiếm giữ trong chiến tranh thế giới thứ hai, mặc dù nguyên nhân gốc dễ bắt nguồn từ chiến tranh Trung-Nhật 1894-1895. Theo "phiên bản" Trung Quốc ghi chép về sự kiện, Điếu Ngư thuộc quản lý của Đài Loan - địa phận chịu sự quản lý của Trung Quốc - trước chiến tranh, và được nhượng lại cho Nhật Bản, cùng với Đài Loan và Bành Hồ sau khi Trung Quốc thua trận.
Nhật Bản tuyên bố sẽ không bao giờ trao trả lại các đảo không người ở này cho Trung Quốc. Theo phía Nhật, chúng chưa bao giờ chịu sự quản lý của Trung Quốc và do đó không phải là một phần trong cuộc chuyển nhượng đất đai khi ấy. Đúng hơn, chúng chỉ đơn giản được Nhật Bản tuyên bố là đảo vô chủ vào năm 1895, khi chính phủ nước này để lại dấu hiệu chỉ định đây là lãnh thổ Nhật Bản và là một phần trong quần đảo Nansei Shoto ở phía nam Nhật Bản từ khi đó.
Theo Nhật Bản, Trung Quốc chưa bao giờ tranh cãi các tuyên bố chủ quyền đối với các đảo này cho tới khi các trữ lượng năng lượng lớn gần đó được phát hiện vào những năm 1970.
Nước Mỹ xuất hiện trong bức tranh trên sau khi Nhật Bản thất trận trong thế chiến thứ hai. Hiệp ước Hòa bình San Francisco giữa Tokyo và phe Đồng minh ký kết năm 1951 không nhắc đến Senkaku một cách cụ thể, nhưng tuyên bố "Nhật Bản sẽ đồng tình trong bất cứ đề xuất nào của Mỹ và Liên hợp quốc theo hệ thống ủy thác của của hòa ước, với Mỹ là người có quyền quản lý duy nhất Nansei Shoto từ phía nam 29 vĩ độ bắc". Điều này dường như bao gồm cả Senkaku, và thực tế, Mỹ đã quản lý các đảo này trong vòng vài năm và quân đội sử dụng chúng để luyện tập ném bom. Cả Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Đài Loan đều không được mời tới hội nghị này và đều không phải là các bên trong hiệp ước nói trên.
Năm 1971, Mỹ và Nhật Bản ký một hiệp định trao trả Okinawa và các đảo xung quanh cho Nhật Bản quản lý, trong đó tuyên bố "Hoa Kỳ trao trả lại tất cả các quyền và lợi ích cho phía Nhật Bản theo Điều III của Hòa ước với Nhật Bản đã ký kết tại thành phố San Francisco".
Trung Quốc thì viện dẫn hiệp ước đã ký với Mỹ, tuyên bố Cairo do Winston Churchill, Franklin Roosevelt và Chiang Kai-shek, thông qua năm 1943. Ba nhà lãnh đạo đồng ý, sau chiến tranh "Nhật Bản sẽ rút khỏi các toàn bộ các đảo Thái Bình Dương đã chiếm đóng từ khi bắt đầu chiến tranh thế giới thứ nhất vào năm 1914, và toàn bộ lãnh thổ Nhật Bản đã lấy của Trung Quốc, như Mãn Châu, Formosa (của Đài Loan) và Bành Hồ, sẽ được trao trả lại cho Cộng hòa Trung Hoa". Nếu ai đó đồng ý, giống như Bắc Kinh, thì Điếu Ngư là một phần của Đài Loan do Trung Quốc quản lý trước 1985, và điều đó nghĩa là, nó phải được trao trả cho Trung Quốc cùng với các đảo đã chiếm khác. (Nó cũng có nghĩa là quân đội Mỹ đã đánh bom vào lãnh thổ Trung Quốc trong suốt những năm 1950 và 1960, nhưng đó là chuyện khác).
Bất chấp lịch sử nói trên, Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn tuyên bố "Hoa Kỳ không đưa ra quan điểm về vấn đề chủ quyền cuối cùng đối với quần đảo Senkaku". Nhưng làm phức tạp hơn vấn đề này chính là Hiệp ước An ninh và Hợp tác tương hỗ giữa Mỹ và Nhật Bản 1960. Điều 5 của Hiệp ước ghi rõ "mỗi bên công nhận rằng bất kỳ cuộc tấn công vũ trang nào nhằm vào phần lãnh thổ thuộc quyền quản lý của Nhật Bản sẽ gây nguy hiểm cho hòa bình và an ninh của Nhật Bản. Mỗi bên sẽ hành động đáp trả mối nguy hiểm chung theo đúng các điều khoản hiến pháp và các biện pháp liên quan".
Theo tin tức của hãng tin Kyodo của Nhật bản, dẫn lời một quan chức Mỹ không cho biết tên, "các đảo này "rơi vào phạm vi của Điều 5", nghĩa là nếu Trung Quốc hành động để khẳng định chủ quyền đối với các đảo, Mỹ sẽ có nghĩa vụ can thiệp ủng hộ phía Nhật Bản. Nếu Mỹ không hành động, có thể coi đó là một sự ngầm thừa nhận rằng các đảo đó không phải thuộc lãnh thổ Nhật Bản.
Nói cách khác, mọi chuyện sẽ trở nên phức tạp hơn rất nhiều. Và dù ai đó có muốn điều đó hay không thì Washington cũng vẫn đang dính líu.
Đình Ngân