Người biểu tình phá cửa hàng Nhật ở Thâm Quyến ngày 15/9 vừa qua.
Hồi cuối tuần, tâm trạng bài Nhật tồi tệ nhất ở Trung Quốc trong nhiều thập niên qua đã bùng nổ thành những cuộc biểu tình và các cuộc tấn công bạo lực vào các doanh nghiệp Nhật nổi tiếng, như các hãng sản xuất xe hơi Tokyota và Honda, buộc người Nhật làm việc ở Trung Quốc phải ở yên trong nhà và khiến báo chí nhà nước Trung Quốc cảnh báo mối quan hệ thương mại có thể sẽ bị tê liệt.
Trung Quốc và Nhật Bản, với thương mại hai chiều đạt 345 tỷ USD vào năm ngoái, hiện đang căng thẳng vì quần đảo không có người ở trên biển Hoa Đông mà Nhật gọi là Senkaku trong khi Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Căng thẳng đã âm ỉ suốt nhiều năm qua, nhưng bùng phát vào tuần trước khi chính phủ Nhật quyết định mua một số đảo từ một người sở hữu tư nhân Nhật.
Động thái khiến Bắc Kinh nổi giận này là của chính phủ Nhật nhằm ngăn chặn kế hoạch thậm chí còn khiêu khích hơn của thị trưởng Tokyo nhằm mua và cho xây dựng các cơ sở trên quần đảo.
Đáp lại, Trung Quốc phái 6 tàu hải giám tới khu vực được cho là có trữ lượng dầu khí dồi dào này. Vào ngày hôm nay, một đoàn gồm khoảng 1.000 tàu đánh cá Trung Quốc đang hướng tới quần đảo và dự kiến sẽ tới nơi vào cuối ngày, tờ Nhân dân Nhật báo cho biết.
Các cuộc biểu tình cuối tuần chủ yếu nhắm tới các cơ quan ngoại giao của Nhật, nhưng một số cửa hàng, quán ăn và nhà sản xuất xe hơi ở ít nhất 5 thành phố cũng bị tấn công. Toyota và Honda cho biết các cửa hàng của họ bị hư hại nặng trong cuộc biểu tình hồi cuối tuần ở thành phố cảng Thanh Đảo ở miền đông. Tuy nhiên, Toyota cho biết nhà máy và văn phòng của họ hôm nay vẫn làm việc bình thường và họ chưa rút nhân viên người Nhật về nước.
Tập đoàn điện tử Canon ngừng sản xuất ở 3 trong 4 nhà máy tại Trung Quốc vào hôm nay và ngày mai, do lo ngại cho sự an toàn của các nhân viên, báo chí Nhật đưa tin. Trong khi đó, All Nippon Airways Co thông báo có nhiều chuyến bay từ Trung Quốc tới Nhật bị hủy.
Căng thẳng cũng gây ảnh hưởng đối với cổ phiếu niêm yết tại Hồng Kông của các nhà bán lẻ Nhật, với nhà điều hành siêu thị Aeon Stores (Hồng Kông) Co Ltd giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 7 tháng qua.
Hãng điện tử Nhật Panasonic cho biết một trong những nhà máy của họ đã bị công nhân Trung Quốc phá hoại và sẽ đóng cửa hết ngày thứ ba, ngày đánh dấu Nhật xâm lược các vùng của Trung Quốc đại lục năm 1931. Tokyo lo ngại ngày này có thể gây ra những cuộc biểu tình bạo lực bài Nhật lớn hơn. Nhiều trường Nhật khắp Trung Quốc, trong đó có Thượng Hải và Bắc Kinh, đã phải nghỉ học trong tuần này.
Mỹ kêu gọi bình tĩnh
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Panetta, người đang công du Nhật, kêu gọi bình tĩnh và kiềm chế ở cả hai bên.
“Nhật, Trung duy trì mối quan hệ tốt và tìm ra cách thức tránh leo thang thêm là lợi ích của mọi người”, ông Panetta cho biết tại Tokyo.
Mặc dù khẳng định Mỹ không đứng về phía bên nào trong các tranh chấp lãnh thổ, song ông Panetta cho hay Mỹ sẽ thực hiện trách nhiệm theo hiệp ước an ninh với Nhật.
Sau các cuộc đàm phán với ông Panetta, Ngoại trưởng Nhật Koichiro Gemba cũng cho biết Tokyo và Washington đã nhất trí rằng quần đảo tranh chấp nằm trong hiệp ước an ninh Nhật-Mỹ.
Trong khi đó, tờ Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc cảnh báo Bắc Kinh có thể dùng đến biện pháp trả đũa kinh tế nếu căng thẳng tăng cao.
Vũ Quý
Theo AP