Bỏ qua biển cấm và các quy định phạt nặng, một người dân vẫn dùng ĐTDĐ trước trụ bơm xăng (Ảnh: Trung Kiên)
Tại TPHCM, ghi nhận trong sáng 6/8, tức một ngày sau khi nghị định 52/CP có hiệu lực thi hành, tình trạng nghe và sử dụng ĐTDĐ trong khu vực cây xăng vẫn diễn ra phổ biến. Cụ thể; ở cây xăng trên đường Kinh Dương Vương (phường 12, quận 6) chỉ trong một giờ đồng hồ chúng tôi đếm được trên 5 trường hợp sử dụng điện thoại và được nhân viên ở đây nhắc nhở.
Tương tự cây xăng trên đường Lê Quang Sung (phường 2, quận 6) cũng không là ngoại lệ. Trong khi đó một số cây xăng khác trên đường 3 tháng 2 (thuộc quận 11) người dân vẫn sử dụng ĐTDĐ theo thói quen tại ngay trụ bơm xăng mà không hề bị nhắc nhở. Khi được hỏi về việc có biết sử dụng ĐTDĐ tại cây xăng sẽ bị phạt tiền từ 2 - 5 triệu đồng hay không, nhiều người dân vẫn tỏ ra ngỡ ngàng và cho biết mới được nghe lần đầu.
Nhiều người chưa biết đến lệnh cấm và các quy định sử phạt (Ảnh: Thảo Trần)
Số ít trường hợp cho biết, có nghe báo đài đăng về quy định cấm này nhưng chưa thấy ai phạt. Một số người còn đưa ra những ý kiến khá “cù nhầy” như “Không có tiền lấy gì mà phạt, ai mà theo dõi suốt được, lỡ khi đó người ta có việc gấp buộc phải nghe thì sao…”.
Trong khi đó, theo thẩm quyền thì nhân viên tại các cây xăng cũng chỉ dừng lại ở việc treo biển cấm và nhắc nhở khách hàng không nên dùng ĐTDĐ trong khu vực cây xăng, một số người còn tỏ ra thách thức và khó chịu khi bị nhắc nhở.
Tại địa bàn quận Tân Bình, Gò Vấp, tình trạng sử dụng ĐTDĐ trong cây xăng ít hơn hẳn. Trong sáng 6/8 chỉ phát hiện một vài trường hợp nghe điện thoại từ xa. Tuy nhiên, khi đến phạm vi cấm lập tức có nhân viên cây xăng chặn đầu xe nhắc nhở thực hiện theo đúng quy định mới cho vào đổ xăng.
Cần có biện pháp mạnh hơn để xử lí các vi phạm này (Ảnh: Trung Kiên)
Vi phạm nhiều nhất có thể kể đến các cây xăng nằm tại các quận huyện vùng ven. Thông tin về việc sẽ bị phát từ 2 - 5 triệu đồng khi sử dụng điện thoại trong cây xăng đối với nhiều người dân nơi đây giống như một “chuyện lạ”. Nhiều người cho rằng không thể kiểm soát hoặc không lấy đâu ra đủ công an để đi xử phạt hết những người “lỡ” nghe điện thoại trong cây xăng được.
Tình trạng nhiều người không biết quy định cấm sử dụng điện thoại tại cây xăng cũng phổ biến tại Khánh Hòa. Bởi vậy rất đông người vẫn vô tư vi phạm.
Anh Cao Bá Mùi, nhân viên cửa hàng xăng dầu số 2 - Công ty xăng dầu Phú Khánh, cho biết nhiều người đến đổ xăng không biết quy định cấm này nên vẫn cứ vô tư “a lô” ở cây xăng, khi nhân viên cây xăng nhắc nhở họ mới ngỡ ngàng. Cũng có người cứ thấy điện thoại reo là lấy ra trả lời, đến khi bị nhắc mới giật mình nói “quên”. Ngoài ra có trường hợp cho rằng chỉ cấm sử dụng khi đứng sát cây bơm xăng, bởi vậy khi được nhắc nhở, họ chỉ đứng nhích ra xa một chút rồi lại sử dụng điện thoại tiếp.
Người thanh niên này sau khi được nhắc nhở đã đi ra phía ngoài cây xăng để tiếp tục nói chuyện điện thoại (Ảnh: Trịnh Anh)
Anh Mùi cũng cho biết nhân viên cây xăng hiện chỉ mới nhắc nhở để mọi người biết chứ chưa thấy ai bị phạt.
Cũng giống như các địa phương khác, tại Đà Nẵng, tình trạng sử dụng điện thoại tại cây xăng vẫn diễn ra phổ biến mặc dù nhiều cây xăng đã dán thông báo cấm sử dụng điện thoại di động.
Có mặt tại cây xăng trên đường Điện Biên Phủ (TP Đà Nẵng), người viết chứng kiến khách hàng vẫn vô tư nghe máy khi có người gọi điện và chỉ dừng lại khi được nhân viên cây xăng nhắc nhở. Hỏi có biết quy định cấm sử dụng điện thoại ở cây xăng không?, người này trả lời: “Hôm qua em có đọc báo rồi nhưng hôm nay quên mất”.
Nhiều cây xăng dán thông báo yêu cầu không sử dụng điện thoại di động nhưng khách hàng không để ý hoặc nếu có đọc cũng cho rằng không quan trọng (Ảnh: Khánh Hồng)
Tương tự, tại một cây xăng khác trên đường Điện Biên Phủ, người viết hỏi “Anh có biết nghe điện thoại tại cây xăng bị phạt từ 2 đến 5 triệu đồng không?”, người này trả lời: “Không biết”.
Khách hàng vẫn vô tư nghe điện thoại tại cây xăng, phần lớn đều không biết quy định mới (Ảnh: Khánh Hồng)
Theo các nhân viên cây xăng, hầu hết họ phải nhắc nhở khách hàng, có khách vui vẻ làm theo, nhưng cũng không ít người phản ứng lại với thái độ khó chịu, gắt gỏng. “Có người khi chúng tôi nhắc nhở thì họ nghe theo, nhưng cũng có người bảo “làm gì mà phạt 5 triệu” và còn tỏ ra khó chịu với nhân viên bán xăng”, một nhân viên làm việc tại cây xăng trên đường Điện Biên Phủ cho biết.
Còn theo anh Nguyễn Văn Tuấn, nhân viên bán hàng tại cây xăng trước Bến xe Đà Nẵng, “Mặc dù cây xăng đã dán thông báo không sử dụng điện thoại di động và dán cả tờ báo đăng mức phạt lên đến 5 triệu đồng nếu sử dụng điện thoại tại cây xăng nhưng nhiều người vẫn không chấp hành. Khi nhân viên nhắc nhở thì hầu hết những người lớn tuổi thực hiện, còn những thanh niên thì phản ứng lại. Họ bảo: “Vẽ chuyện. Cháy cây xăng thì cũng cháy của họ chứ của anh đâu mà anh nhắc”. Nhân viên chúng tôi luôn bị áp lực với khách hàng”.
Chiều 6/8, chỉ trong gần một giờ đồng hồ, theo ghi nhận của PV Dân trí tại một số cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) đã có hàng chục trường hợp “nối sóng” điện thoại di động bất chấp lệnh cấm. Tại cửa hàng xăng dầu số 3 - Công ty xăng dầu Nam Tây Nguyên (số 6 Nguyễn Tất Thành, TP Buôn Ma Thuột), một vài người sử dụng điện thoại, khi được hỏi đều cho biết không biết Nghị định 52/2012 của Chính phủ; ngoài ra họ cứ nghe tiếng chuông điện thoại là rút ra nghe theo thói quen, chưa ý thức được là đang ở cây xăng.
Tình trạng người dân sử dụng điện thoại tại cây xăng vẫn diễn ra nhan nhản (Ảnh: Viết Hảo)
Theo một số nhân viên xăng dầu ở cây xăng số 3 - Công ty xăng dầu Nam Tây Nguyên, khi thấy khách hàng sử dụng điện thoại di động, các nhân viên đều tiến hành nhắc nhở nhưng tình trạng chung cơ bản vẫn chưa được cải thiện. “Nhiều trường hợp sử dụng điện thoại di động, chúng tôi phát hiện đã nhắc nhở nhưng còn bị họ chửi lại. Ngoài ra đó cũng là thói quen khó thay đổi”, một nhân viên bán xăng cho biết.
Đa phần người dân cho rằng việc cấm sử dụng điện thoại di động tại cây xăng cần được tuyên truyền thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng và cần có thời gian để người dân hình thành thói quen, để họ tự có ý thức giống như việc sử dụng mũ bảo hiểm khi đi xe gắn máy vậy.
Nhóm PV